Xu hướng lao động tay nghề tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại cho các ngành công nghiệp nội địa của Indonesia. Hiện tượng “chảy máu chất xám” đang gia tăng khi nhiều người trẻ trình độ cao rời bỏ quê hương để tìm kiếm việc làm tốt hơn ở nước ngoài.

Anh Hirdan Radityatama Putra Laisa, 28 tuổi, là một trong số những người trẻ đó. Tốt nghiệp Đại học Indonesia năm 2019, hiện anh làm việc tại Tokyo với mức thu nhập 6 triệu yên/năm (khoảng 41.600 USD), gấp gần 6 lần so với mức lương của một người cùng trình độ và kỹ năng làm việc ở Indonesia. Laisa cho biết nhiều bạn của anh cũng đang tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Trong nhiều thập kỷ, Indonesia là quốc gia cung cấp nhiều người giúp việc và lao động phổ thông nhất thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ trình độ cao như Laisa xuất ngoại tìm việc làm tốt hơn ở Nhật, Australia, Singapore… Điều này khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ chảy máu chất xám.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nhập học bậc đại học, cao đẳng, trường nghề của Indonesia đã tăng từ 16% năm 2003 lên 45% năm 2023. Tuy nhiên, nhiều cử nhân vẫn không tìm được việc tương xứng với kỹ năng. Nhà nghiên cứu Firman Budianto tại BRIN nhận định: “Indonesia có ngày càng nhiều người học vấn cao, nhưng lại thiếu công việc có mức lương cạnh tranh”. Điều này khiến lực lượng lao động trình độ cao sang nước ngoài làm việc.
Theo số liệu chính phủ, lương trung bình ở Indonesia chỉ đạt 3,09 triệu rupiah mỗi tháng (khoảng 190 USD) tính đến tháng 2/2024. Kết quả là lao động trình độ cao ra nước ngoài ngày càng nhiều. Năm 2024, số lao động di cư đã tốt nghiệp trung cấp nghề tăng 83% (4.505 người) và nhóm có bằng cử nhân tăng 2,3 lần (3.421 người), chiếm 2,7% tổng lao động đi xuất khẩu.
Dữ liệu từ cơ quan thống kê Indonesia cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,82% xuống 4,76% vào tháng 2. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của lao động có bằng đại học là 5,25% trong năm 2024, cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp của lao động trình độ trung học phổ thông là 4,11%.
Nhật Bản đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với lao động Indonesia trình độ cao. Dữ liệu Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy số người Indonesia là chuyên gia cấp cao và kỹ sư đã tăng từ 1.678 người năm 2016 lên 7.904 người năm 2024.
Để ngăn “chảy máu chất xám”, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Indonesia Arsjad Rasjid kêu gọi doanh nghiệp cần nâng chuẩn quốc tế và đầu tư vào đổi mới để thu hút nhân tài. Một số doanh nghiệp nội địa đã tổ chức chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ. Ví dụ, nhà cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn GoTo Group năm ngoái đã đào tạo 43 kỹ sư mới tốt nghiệp.
Giám đốc nhân sự GoTo Monica Lynn Mulyanto khẳng định đây là đầu tư chiến lược cho chủ quyền số và năng lực dài hạn. Tập đoàn khai thác quốc doanh Mind ID cũng triển khai nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực bao gồm đào tạo liên ngành, các cuộc thi đổi mới sáng tạo hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và các chương trình chia sẻ kiến thức để chuẩn hóa thông tin và kiến thức chuyên môn.
Bộ trưởng Bộ Nhân lực Yassierli cho biết nếu người dân Indonesia muốn nâng cao kỹ năng và tìm việc làm tốt hơn ở nước ngoài, họ có thể đi. Nhưng trong tương lai, họ nên trở về xây dựng đất nước. Đây là thời điểm quan trọng để Indonesia cân nhắc chính sách giữ chân nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng cơ hội việc làm trong nước và cải thiện hệ thống giáo dục – đào tạo để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” từ dân số trẻ trình độ cao.