Khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đẩy giá trị của Nvidia cán mốc 4.000 tỷ USD, giới phân tích đã lên tiếng cảnh báo rằng bong bóng này có thể còn nguy hiểm hơn cả bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990. Phố Wall đang chứng kiến một kỳ tích công nghệ mới hay chỉ đang lặp lại bi kịch cũ?
Vào năm 1999, Phố Wall tin rằng họ đã tìm ra chìa khóa của tương lai khi các công ty dot-com với chỉ một vài lượt truy cập đã được định giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế đã phũ phàng khi bong bóng dot-com vỡ vào tháng 3/2000 đến tháng 10/2002, khiến thị trường mất đi 5.000 tỷ USD và để lại bài học xương máu cho các nhà đầu tư.
Một phần tư thế kỷ sau, lịch sử dường như đang lặp lại với từ khóa ma thuật mới: AI. Sự kiện Nvidia trở thành công ty đầu tiên trên thế giới vượt mốc vốn hóa 4.000 tỷ USD đã kích thích một bữa tiệc hoành tráng trên Phố Wall. Các cổ phiếu như Microsoft, Google, Meta đã được đẩy lên những đỉnh cao chưa từng thấy, và chỉ số S&P 500 liên tục lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, Torsten, chuyên gia kinh tế trưởng của Apollo Global Management, đã cảnh báo rằng điểm khác biệt giữa bong bóng công nghệ những năm 1990 và bong bóng AI hiện tại là nhóm 10 công ty hàng đầu trong chỉ số S&P 500 ngày nay bị định giá cao hơn đáng kể so với thời điểm những năm 1990.
Một biểu đồ tài chính từ Apollo Global đã vẽ nên một bức chân dung đầy ám ảnh về sự thổi phồng đang diễn ra trên Phố Wall. Biểu đồ này cho thấy tỷ lệ giá trên lợi nhuận dự phóng (forward P/E) giữa nhóm 10 công ty lớn nhất S&P 500 và 490 công ty còn lại. Kết quả cho thấy khoảng cách giữa hai nhóm công ty đã vượt xa cả giai đoạn đỉnh điểm của bong bóng dot-com năm 2000.
Sự hưng phấn thái quá này đang tạo ra một hiện tượng nguy hiểm: đà tăng điểm cực kỳ lệch lạc. Dù chỉ số S&P 500 có vẻ khỏe mạnh, nhưng khi phân tích kỹ, gần như toàn bộ mức tăng của thị trường chỉ đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu, trong khi 490 công ty còn lại gần như dậm chân tại chỗ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong số các công ty công nghệ hàng đầu báo cáo kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng? Trong một thị trường mà kỳ vọng đã được đẩy lên mức tuyệt đối, chỉ cần một cú ‘hắt hơi’ từ nhóm này cũng có thể khiến cả Phố Wall ‘cảm lạnh’.
Không ít người sẽ phản biện rằng ‘lần này khác biệt’ và họ có lý khi nói rằng những ông lớn công nghệ hiện nay không còn là các start-up ‘ý tưởng hay nhưng không có tiền’ như thời dot-com. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ các công ty AI không có lãi mà nằm ở chỗ Phố Wall đang định giá họ như thể tương lai là hoàn hảo.
Lịch sử tài chính luôn cho thấy không có gì tăng mãi mãi. Mọi bong bóng, dù được bơm phồng bằng lợi nhuận thực hay chỉ là kỳ vọng, đều có điểm giới hạn. Và khi kỳ vọng vượt xa thực tế, dù chỉ một chút, thị trường sẽ luôn biết cách đòi lại cái giá mà nó đã trả quá đắt cho giấc mơ không tưởng.
Sự tương đồng về mặt tâm lý giữa năm 2025 và 1999 thật đáng kinh ngạc. Ngày nay, trong các cuộc họp báo cáo lợi nhuận, mọi CEO đều cảm thấy bắt buộc phải nhắc đến ‘chiến lược AI’ của mình. Cổ phiếu đang tăng giá dựa trên tiềm năng và câu chuyện về AI, chứ không hoàn toàn dựa trên doanh thu và lợi nhuận thực tế mà AI mang lại cho toàn bộ nền kinh tế.
Phố Wall đang định giá AI như thể đây là một công nghệ kỳ diệu, không rủi ro, không giới hạn – một cỗ máy tạo ra lợi nhuận vĩnh cửu. Tuy nhiên, thực tế, dưới lớp hào quang đó là hàng loạt bất ổn tiềm ẩn mà các nhà đầu tư có thể đang xem nhẹ.
Rủi ro đến từ chính sách, chi phí, hiện tượng ‘ảo giác AI’, và tốc độ hấp thụ là một số trong những bất ổn tiềm ẩn đó. Không thể bỏ qua việc triển khai AI hiệu quả đòi hỏi sự thay đổi cơ cấu, đầu tư dài hạn và lực lượng lao động đủ kỹ năng.
Lịch sử đã quá nhiều lần chứng minh rằng bong bóng tài chính không nổ vì công nghệ là giả. Dot-com không sụp đổ vì Internet là lừa đảo. Ngược lại, những ý tưởng lớn thường là thật, nhưng vấn đề nằm ở chỗ con người quá nôn nóng, quá lạc quan và sẵn sàng trả một cái giá quá đắt để sở hữu tương lai trước cả khi nó kịp đến.
Phố Wall đang đặt cược vào một tương lai hoàn hảo, nơi AI sẽ cứu rỗi năng suất, tạo ra hàng nghìn tỷ USD giá trị và thay đổi mọi ngành nghề. Tuy nhiên, không ai biết khi nào thực tế sẽ đá văng cánh cửa ảo tưởng.