Ngày 18/7, Hội thảo ‘Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2025 – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp’ đã được tổ chức bởi Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Viện Sáng kiến Việt Nam. Tại hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), đã chia sẻ về các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.
Theo bà Hương, trong nửa cuối năm 2025, có 4 nhóm chính sách quan trọng mà doanh nghiệp cần theo dõi sát sao để tận dụng cơ hội, tháo gỡ khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc cuối năm. Nhóm chính sách đầu tiên là cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt chính sách ‘ba giảm’: giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ và 30% điều kiện kinh doanh. Tại TP.HCM, chính quyền thành phố cũng đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đối với 324 thủ tục, tích hợp thông tin giấy tờ vào nền tảng định danh điện tử quốc gia (VNeID). Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí hoàn thiện hồ sơ, tiếp cận các thủ tục hành chính công.
Nhóm chính sách thứ hai là tài khóa, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đổi mới sáng tạo. Bà Hương đánh giá đây là chính sách điểm tựa quan trọng, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME). Một số chính sách nổi bật bao gồm tiếp tục áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SME đang được thúc đẩy triển khai trên thực tế, bao gồm chính sách cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ.
Nhóm chính sách thứ ba là tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét dỡ bỏ các biện pháp hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng. Nhiều chương trình tín dụng chuyên biệt đang được triển khai hoặc chuẩn bị ban hành.
Nhóm chính sách thứ tư là phát triển thị trường. Bà Hương thông tin, trong 6 tháng cuối năm, nhiều chính sách mới liên quan đến thị trường tiêu thụ hàng hóa sẽ được ban hành. Chính phủ sẽ khởi động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các đối tác. Bộ Công Thương cũng được giao nghiên cứu thành lập thêm các văn phòng xúc đẩy thương mại tại các thị trường trọng điểm.
‘Chính sách hiện nay rất nhiều, và có những chính sách tưởng chừng không liên quan vẫn có thể tác động lớn đến doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu tìm hiểu kỹ qua kênh của các bộ ngành, địa phương và nhất là các hiệp hội’, bà Hương nhấn mạnh.